Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ

Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ 560/TA- Ấp Tân An-Xã Tân Thành Huyện Lai Vung – Đồng Tháp DD: 0939.826271, 0975.865463 Email : thienmy.thich@gmail.com

Saturday, February 26, 2011

MỘT NGHỀ KINH DOANH ĐANG LÊN: TIỆM ĂN VÀ TẠP HÓA VIỆT Ở NHẬT

MỘT NGHỀ KINH DOANH ĐANG LÊN: TIỆM ĂN VÀ TẠP HÓA VIỆT Ở NHẬT
Thursday, November 01, 2007





Nếu muốn tự túc kinh doanh, có lẽ không gì hơn là khai thác sở trường sẵn có và đang được người Nhật ưa thích, đó là nấu món ăn Việt Nam.

Lâu nay có hàng ngàn công ty Nhật qua VN lập cơ sở sản xuất, thầu xây cất hạ tầng... Tất nhiên người Nhật còn làm rất nhiều thương mại khác như mở khách sạn, sân gôn và ngay cả tiệm tạp hóa như Iroiro trong thương xá SAVICO, Raku (Ẩy, Lạc) chuyên về y phục, ví, giày dùng vải Kimono trong thương xá TaxTrade Center, tiệm thời trang hàng đầu như tiệm Zen ở Sài Gòn, rồi tiệm tắm bồn phun (spar), đấm bót.... chủ đích hướng tới du khách Nhật.

Giữa năm 2001, ở Sài Gòn thấy có tiệm Hỷ Lâm Môn ở quận 3 bán cả 'bánh mì sushi' (bánh mì mềm kẹp cá sống). Mười tiệm ăn Việt Nam ở Sài Gòn được người Nhật ưa thích nhất theo thứ tự là Mandarine, Song Ngư, Nam An, Phở 2000, Tân Nam, Lemongrass, Luna, Vy, Ngọc Sương, Phở Hòa.

Cho tới năm 2005, ở Việt Nam có khoảng 100 tiệm Nhật pha lẫn Việt tại Hà Nội, Sài Gòn... với các tên như Club Koto (Cầm), Daruma, Doremon Kaka, Fuji and Haru (Phú Sĩ - Xuân), Genkotsutei (... Đình), Hachiya (Bát Thỉ), Hanayuki (Hoa...), Kissaten (Khiết Trà Điếm), Red Dragon Fly, Sail and Sake, Sai-To không phải tên Saito mà là từ Sài Gòn đến Tokyo), Sakanaya (Ngư Ốc), The Sushi Bar, Umiaji (Hải Vị), Zipang (cơm hộp)... cho tới loại quán thiện chí vừa ăn vừa học như Japan-Vietnamese Student Restaurant ở Sài Gòn. Công ty tiệm ăn hạng sang Chagall ở Tokyo thì mở một loạt tiệm ở Hà Nội và Sài gòn.

Trong khi đó, tới năm 2003, số quán có món ăn Việt Nam khắp nơi trên toàn nước Nhật cũng khoảng 300 tiệm (riêng Đông Kinh khoảng 100 tiệm). Nhiều người Nhật, nhất là phụ nữ, thích món ăn Việt Nam nên đã theo học các lớp nấu ăn. Ở Nhật đã có khoảng 15 cuốn sách về nấu ăn Việt Nam bằng tiếng Nhật, hầu như cuốn nào cũng có chỉ dẫn cách làm gỏi cuốn, phở, bánh xèọ Nhưng ở Việt Nam dường như mới chỉ có một cuốn sách nhỏ giới thiệu 'Món Ăn Đặc Sản Nhật-Hàn', trong có khoảng 20 món ăn Nhật.

Các tiệm ăn Nhật ở Việt Nam nhắm đến khách Nhật, vì đánh tâm lý người Nhật thích món ăn truyền thống, người Việt ít đến ăn vì có cá sống và giá thường rất đắt. Tiệm ăn Việt Nam ở Nhật cũng nhắm đến khách Nhật là chính, vì số người Việt quá ít. Có điều lạ là trong số đó, có khoảng trên 80% là do người Nhật làm chủ, nhất là các tiệm lớn và ở khu sang tro.ng. Tỷ lệ người Nhật mở quán Việt ở đây như vậy là rất cao so với các quốc gia khác, điều này cho thấy là người Nhật thích đồ ăn Việt Nam và việc mở tiệm đối với người Việt còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, ở Hoa Kỳ và Gia Nã Đại có một số người Việt mở tiệm 'bò Kobe' hay 'sushi'.

Ở Việt Nam nay có nhiều trường dạy nấu ăn cho du khách, nhất là du khách Nhật, như: La Fenetre Soliel, Over Land Club (dạy tới 400 món), Bảo, Song Ngư... Các nơi này đều có thông dịch, xe đưa đón, nhận dạy từ 2 người trở lên và trung bình dạy từ 2 đến 3 giờ đồng hồ với giá khoảng 35 đến 50 Mỹ Kim/1 người.

Có một số tiệm ăn đã cố gắng tạo bầu không khí rất Việt Nam bằng cách đặc biệt nhập cảng từ trang trí đến các dụng cụ ăn đều từ Việt Nam.

Kể về các tiệm ăn, kéo dài từ Hokkaido (Bắc Hải Đạo) ở cực bắc có tiệm sặc mùi nước mắm vì mang tên 'Phú Quốc' (là tên một hòn đảo ở cực nam Việt Nam) do người Nhật mới mở, xuống tới Kyushu (Cửu Châu) ở cực nam có tiệm 'Honba Betonamu Ryori' (Betonamu tiếng Nhật là Việt Nam) khá kỳ cựu của anh Đặng Đức Thịnh...

Lúc đầu chỉ cần tay nghề tàm tạm cũng được, bởi đa số khách là người Nhật, họ không khó tính như người Việt. Nhưng nay số tiệm và khách gia tăng, sự cạnh tranh cũng lên cao nên nhiều tiệm đã có nỗ lực cải thiện phẩm chất và cách phục vụ.

Muốn mở tiệm phải trả lời được câu hỏi đầu tiên: 'Tiền đâủ'. Chi phí mở quán 20 đến 100 ghế khoảng 3 đến 40 triệu Yen (30.000 đến 240.000 MK), gồm hai khoản chính là tiền thuê hay sang cửa tiệm cũ (10 đến 20 lần tiền thuê hàng tháng), chiếm độ 1/2 và tiền trang thiết bị độ 1/2. Đòi hỏi số vốn cao cũng là trở ngại chính, nếu không thì số tiệm ăn Việt mọc ra có lẽ còn gấp bội bây giờ.

MÓN ĂN ĐƯỢC ƯA THÍCH

Các món được ưa thích nhất ở Nhật là gỏi cuốn, chả giò, chả giò rế, bánh xèo, phở bò, phở gà, carry, gỏi gà, miến xào, bánh cuốn, bánh ít trần, chè xôi nước, các loại trà và cà phê Việt Nam (năm 1999, được xếp hạng 4 trong số những cà phê thế giới được ưa thích tại Nhật), bia 333, bia Sài Gòn, rượu đế Lúa Mới, rượu đế Nàng Hương, rượu vang Gia Lâm... nước mắm, bánh tráng cuốn, bánh phở khô, vị phở cô đặc... nay trở thành các vật liệu khá quen thuộc với các phụ nữ Nhật mê món ăn Việt Nam. Dịp Tết, nhiều người Nhật quen biết với người Việt cũng được thưởng thức bánh chưng, bánh tét, các loại mứt, hạt dưa...Thường để được thưởng thức nhiều món hoặc vì chưa quen nên không dám ăn nhiều, người Nhật hay gọi các món gỏi cuốn, bánh xèo, phở, bún bò huế... rồi ăn chung với nhau.

Ở Nhật, món phở bò chưa đạt được 'đỉnh cao nghệ thuật' như ở Hoa Kỳ, nên chưa được người Nhật chú ý như chả giò, gỏi cuốn, bánh xèo. Ở Hoa Kỳ, đối với người bản xứ thì đại biểu món ăn Việt Nam là phở bò, có một số cơ sở làm ăn khá, hệ thống đến 60 tiệm phở Hòa hay 20 tiệm phở Bằng trên nhiều tiểu bang. Du khách Nhật tới Nữu Ước rất thích vào ăn tiệm phở Bằng. Ở nhiều tiệm phở, thấy có khách Hoa Kỳ, Mỹ trắng ngồi húp phở xùm xụp, tự nhiên cũng thấy hãnh diện lâỵ. Món phở dễ chiếm ưu thế vì có thể ăn no phở bất cứ bữa nào trong ngày, giá cũng rất phải chăng, chỉ 4 đến 5 Mỹ Kim một tô. Còn chả giò hay gỏi cuốn chỉ là món ăn chơi.

Nhân dịp tham dự hội nghị tại Hà Nội cuối tháng 7/2001, bà Ngoại Trưởng Nhật là Makiko Tanaka (Điền Trung Chân Kỷ Tử) đã mặc áo dài Việt Nam, ăn chả giò. Chả giò tiếng Nhật là 'Harumaki', chữ Hán là 'xuân quyển', nên bà nói bà còn ăn cả 'hạ quyển', 'thu quyển'... còn bà thì là 'Makiko' (cũng có chữ 'maki). Làm cho nhân viên đài TV Asahi số 10 ở Nhật tưởng thật, đã điện thoại hỏi chúng tôi là các món chả giò theo mùa đó khác nhau như thế nào!

TÊN 'SÀI GÒN' ĐƯỢC CHỌN NHIỀU NHẤT

Đứng đầu trong lãnh vực kinh doanh tiệm ăn phải kể đến bác Nguyễn Văn Ngân, du học sinh qua Nhật từ năm 1941, nay đang làm chủ ba tiệm ăn lớn, một ở Yurakucho ('Sàigòn Café' mở từ năm 1952) và hai ở Ginza (Ngân Tọa), đều lấy tên là Sài Gòn, có tiệm tới 120 chỗ ngồi, sau này lại mở thêm tiệm bán đồ ăn làm sẵn trong khu chợ của đề-pa-tô Tokyu Toyoko ở Shibuya (Sáp Dịch).

Tên 'Sài Gòn' được nhiều tiệm chọn nhất. Chúng tôi thấy có khoảng 20 tiệm mang cùng tên 'Sài Gòn', có tới ba tiệm 'Miss Sài Gòn' ở thành phố Musashino (Vũ Tàng Dã); rồi ở Shibuya (Sáp Cốc) và Fukui, có ba tiệm lấy tên Hà Nộị. Có tiệm lại còn lấy tên 'Sài Gòn Đẹp Lắm' từ một bài hát mà có lẽ người Việt Nam nào cũng biết.

Bảo đảm hương vị Việt Nam, có tiệm lấy tên 'Hương Việt' của chị Nguyễn Thị Điệp mở từ năm 1986. Chị Điệp trong năm 1996, 97... và 2003 cũng đã góp phần trong ba, bốn cuốn sách về món ăn Việt Nam bằng tiếng Nhật. Năm 2003, chị Điệp cùng anh Nguyễn Vĩnh Trường mở thêm tiệm Hương Việt thứ hai ở Shinjuku; đặc biệt tiệm này là tiệm đầu tiên có làm bánh tráng rế (lưới) tại chỗ. Thơ mộng thì có tiệm 'Đà Lạt' ở Jiyugaoka (Tự Do Khâu) quận Meguro (Mục Hắc). Rất là phim ảnh thời sự thì có 'Ao Papaya' tức 'Đu Đủ Xanh' ở quận Kita (Bắc). Lời chào niềm nở và thân thiện thì chắc không đâu qua mặt được tiệm mang tên 'Hello Việt Nam' ở quận Chiyoda (Thiên Đại Điền). Đơn sơ mà hấp dẫn thì có tiệm mang tên 'Áo Dài' ở Akasaka (Xích Phản), quận Minato (Cảng).

Ở Kobe có tiệm Mekong khang trang rộng rãi với 60 ghế của anh Tòng sánh vai với một tiệm chắc có hương vị rất Hà Nội vì mang tên 'Lâm Hà Nội' mà. Nếu tỉnh Shizuoka (Tĩnh Cương) có tiệm tên 'Sài Gòn' quen thuộc của anh Hùng thì cạnh đó, tỉnh Aichi (Ái Tri) không chịu kém, vừa ra một cửa tiệm với cái tên rất cổ kính và xanh rờn là 'An Nam Blue'. Cũng như 'Mỹ Lệ Restaurant' của chị Mỹ Lệ ở quận Ota mở cũng hơn 12 năm qua.. Một nơi 'khỉ ho cò gáy' như tỉnh Shimane (Đảo Căn) ở tây-nam Bản Đảo cũng có tiệm Việt Nam, thiên hạ chọn hết tên hay nên chị Hataoka không biết chọn tên nào khác hơn là tên mình 'Hataoka Restaurant'.

Năm 1997, Hokkaido (Bắc Hải Đạo) lại có thêm tiệm thứ hai, không chịu thua kém Sài Gòn nên mang tên 'Chợ Lớn' mới lạ chứ, chuyên bán cà phê, bánh mì & tạp hóa Việt Nam do người Nhật làm chủ. Sau có thêm một tiệm ăn và rượu mang cái tên Nam Dương có vẻ bí mật 'Tétés Café' (Tétés là giọt nước) nhưng bán món ăn Việt Nam và Thái, hơn 70 ghế, tại Nishi Azabu (Ma Bố), quận Minato do công ty Nhật làm chủ.

Hệ thống tiệm Mỹ Dung ở Đông Kinh, từ tiệm đầu tiên ở Shinjuku (Tân Túc), rồi hai tiệm ở Bunkyo (Văn Kinh), Ikebukuro (Trì Biểu) và tháng 4/1997 kết hợp với một khách sạn Thái Lan mở thêm tiệm nữa lấy tên là 'Thiên Phước' ở Yotsuya (Tứ Cốc). Ở Shibuya thì có tiệm 'Bougainvillaea' (Hoa Giấy) từ năm 1982, do anh Dương Tuấn Kiệt làm chủ và mới đây, cuối năm 1996, có thêm tiệm 'Miss Saigon' do chị Tám làm chủ. Dì Ba Theo nấu ăn nổi tiếng, thường làm giò chả cho các nơi và cô Loan kinh doanh tiệm 'Hồng Phước' ở Omiya (Đại Cung), tỉnh Saitama (Kỳ Ngọc) từ năm 1993.

Năm 1997, chị Nguyễn Thị Giang đã mở tiệm mang tên 'Giang's Betonamu Ryoriten', gần ga Futago Tamagawaen (Song Tử Ngọc Xuyên Viên) cuối đường tầu Oimachi, có khoảng 30 ghế. Chị Giang là người từng dạy gia chánh tại Việt Nam, làm đầu bếp chuyên nghiệp cho nhiều quán ăn ở Nhật. Chị cũng dạy nấu ăn Việt Nam khoảng bảy năm qua, có 200 học trò, hầu hết là phụ nữ Nhật, rất thích đồ ăn Việt Nam, có người theo học chị liên tục nhiều năm.

Ngay đối diện hội quán Kyurian (Shinagawaritsu Sogo Kumin kaikan) ở cửa đông ga Oimachi (Đại Tĩnh Đinh), quận Shinagawa (Phẩm Xuyên) có tiệm 'Sun Fish Kitchen' bán thức ăn Việt, Thái và Lào do người Nhật làm chủ.

Đầu năm 1998, tại thành phố Yao (Bát Vĩ), Osaka (Đại Phản) có tiệm Việt Nam mang tên 'Sài Gòn Quán' do chị Mai Hoa và Tuyết Minh trông coi. Lại có một quán tên 'Ăn Ngon' tại quận Chuo (Trung Ương), Osaka do người Nhật mở, hy vọng là ngon hết sẩy. Rồi tiệm 'Sáng Tạo' cũng của người Nhật và đầu bếp Việt Nam ra đời. Như vậy một lúc có đến bốn quán ra đời ở Osaka, sự cạnh tranh kể cũng khá gắt gao. Nhưng cũng nhờ đó, phẩm chất của các món ăn dần dần được nâng cao.

Năm 1999, tiếp tục nhiều tiệm ra đời, có tiệm Quê Hương ở Kanagawa (Thần Nại Xuyên), Hà Nội Restaurant ở Saitama (Kỳ Ngọc), Việt Nam Alice ở Tokyo, Yuki Ryori ở Osaka và Long Tử Các ở Kobe (Thần Hộ)...

Đầu năm 2000, có tiệm Sông Hương ở Ueno (Thượng Dã). Công ty Create Restaurants khai trương vào tháng 6/2000, một tiệm rộng rãi nhất với 120 chỗ ngồi và ở khu sang trọng nhất là Roppongi (Lục Bản Mộc) mang tên Vietnamese Cyclo: Tiệm này có cả chỗ ngồi ngoài trời và trưng bày nguyên một chiếc cyclo thiệt đem từ Việt Nam qua (năm 2001, công ty này mở thêm tiệm mang tên Celadon ở quận Setagaya, Tokyo với 80 ghế và Celadon ở Osaka với 100 ghế). Nhưng chắc là độc giả cũng rất ngạc nhiên về cách chế biến của người Nhật khi ăn tại ba tiệm trên thấy trong phở có bỏ rau muống và chảgiò, còn ở Vietnamese Cyclo quấn hình loa kèn với đuôi tôm ló ra!

Đặc biệt có tiệm Asia Ryori Yakigamo ở Kawaguchi (Xuyên Khẩu), tỉnh Saitama do anh Lê Văn Lộc làm chủ, tự quay vịt và heo bán cùng nhiều món ăn Á Châu khác.

Qua tháng 10/2000,tiệm Thiên Long khai trương ở Kawaguchi (Xuyên Khẩu), Saitama. Tháng 10/2000, có thêm tiệm mang cái tên lạ là Y-Sài Gòn (hỏi ra thì Y là chữ viết tắt tên ông chủ Yasaka và Saigon Tourist) ở Shibuya và Yokohama.

Tháng 12/2000, thêm tiệm Việt Nam Frog ở Kobe khá lớn với 110 chỗ ngồi, bán đồ ăn Việt và Pháp, nơi đây dự trù có cả trình diễn nhạc Việt sống mỗi tối.

Thêm hai tiệm Y-Saigon ra đời ở Shibuya (loại sang) và Yokohama (loại bình dân), hỏi ra mới biết cái tên 'bí hiểm' ấy là do sự hợp doanh của hai công ty Yasaka của Nhật Bản và Saigon Tourist của Việt Nam. Cả hai nơi đều dùng đầu bếp chuyên môn từ Việt Nam qua. Nhưng cả hai tiệm đều lần lượt đóng cửa và mở ra tiệm mới trong thương xá Parlco ở quận Shibuya.

Qua năm 2001, có tiệm mang cái tên lạ: Ăn Việt, ở Nagoya. Ăn Việt ý chỉ ăn món ăn Việt, chủ nhân người Nhật biết rằng tiếng Việt không dùng chữ ghép như vậy, nhưng đối với người Nhật thì không thành vấn đề. Đầu bếp là người Nhật, nên để nấu món ăn Việt, chủ nhân đã cử hai người lo về nấu ăn lên Mekong Center ở Tokyo học. Và còn nhiều nhiều tiệm khác nữa sẽ ra đời, nên nếu muốn ghi nhận cho thật đầy đủ sự ra đời của các tiệm ăn trên toàn quốc Nhật cũng mệt chứ không phải chơi.

Nhóm tiệm Ăn Ngon và Chảo Lửa ở Osaka với ba đầu bếp từ Việt Nam, đã mở thêm tiệm mới với cái tên thật độc đáo "Cha Chả Là Đẹp" vào tháng 7/2001. Người Nhật mà dùng được những từ như vậy thì tiếng Việt của họ cũng khá thâm hậu, hay ít ra họ cũng quan hệ với người Việt nhiều lắm mới chọn cái tên trên.

Tháng 9/2001, một công ty Nhật đã mở tiệm Phở House đầu tiên tại Akasaka, quận Minato Đông Kinh và tương lai dự định thành hệ thống toàn quốc.

Cũng trong tháng 9/2001, anh Lê Thanh Long đã khai trương một nhà hàng rất lớn lấy tên là Câu Lạc Bộ Long Hải, ngay trước ga Yamato (Đại Hòa), đường tàu Odakyu, tỉnh Kanagawạ Cửa tiệm rộng khoảng 90 'tsubo' (bình = 2 chiếu, tức hơn 250 mét vuông), có thể chứa được tới 150 người. Chia ra làm một phòng ăn, hai phòng Karaoke và một quầy rượu. Đây là tiệm Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay, nhưng đầu năm 2004 đóng cửa.

Hệ thống tiệm ăn Papaya Leaf với 5 tiệm ở trung tâm Đông Kinh, đều bán chả giò, gỏi cuốn, bánh xèo, phở bò.

Từ năm 2000, hầu như tháng nào cũng nghe có vài tiệm ăn hay cửa hàng thủ công nghệ Việt Nam mới mở, thật là trăm hoa đua nở. Tháng 8/2003, có tiệm Saigon City ở thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama, tháng 11/2003 có tiệm Áo Dài ở cửa Tây ga Ikebukuro (ga này nay có tới 4 tiệm)...

Giá cả tại các tiệm ăn Việt Nam tương đối đắt, một người ăn tạm gọi là cho đã, tốn chừng 2.500 đến 4.000 Yen. Giá một số món chính (gấp 10 đến 20 lần ở Việt Nam):

Gỏi cuốn từ 550 Yen đến 1.100 Yen

Phở từ 800 Yen đến 1.280 Yen

Bánh mì từ 300 Yen đến 500 Yen

Bánh xèo từ 500 Yen đến 1.500 Yen

Tráng miệng, chè từ 300 Yen đến 600 Yen

Bia 333, Sài Gòn từ 480 Yen đến 600 Yen

Cà phê từ 350 Yen đến 550 Yen

Đa số tiệm đều đông khách, nhất là buổi tối, thực tế chỉ có một số tiệm bán buổi trưa. Tuy nhiên tình hình kinh tế cuối thập niên 90, năm 2001 còn đang khó khăn, số tiệm hơi nhiều nên cũng chia khách, cũng đã có những tiệm phải sang qua, bán lại.

Năm 2001, có công ty Viet House ở Tokyo chuyên cung cấp công thức cà-ry V. N. cho công ty Nhật sản xuất mỗi ngày khoảng 500 đến 700 phần ăn cho hàng chục siêu thị ở tỉnh Kanagawa. Bên cạnh các tiệm ăn, đây có lẽ là công ty đầu tiên thuộc loại này.

Ngày 9/5/2002, cứ điểm đầu tiên của tiệm cà phê Trung Nguyên tại Nhật đã long trọng khai trương, địa điểm ở ngay ngã 5 của khu Roppongi rất tiện lợi. Đây được coi là cơ sở trung ương để từ đó phát triển ra thành hệ thống chi nhánh toàn quốc. Buổi ra mắt thu hút khoảng hơn 100 thân hữu, có đài TV TBS số 6, ký giả Rueters, nhiếp ảnh gia Takaya Fukui... đến làm phóng sự. Theo ông Giám Đốc Mizuno, buổi ra mắt đông nghẹt được coi là rất thành công. Tất cả các dụng cụ, trang trí, bao gói đều được in nhãn Trung Nguyên. Ngoài các loại cà phê theo đúng bài bản Việt Nam là lọc tại chỗ và nếu cần cho thêm sữa đặc Ông Thọ, khách mời còn được đãi gỏi cuốn, bánh mì patê thịt, chả giò rế, xôi, nước ngọt... Số chậu và bó hoa do khách đem tơí khoảng 40. Ngày 11/5, cửa hiệu đã chính thức khai trương đối với khách thường. Đài TV TBS số 6 đã trịnh trọng giới thiệu về việc 'Hương Vị Việt Nam - Cà Phê Việt Nam Đổ Bộ Nhật Bản' lúc 8 giờ tối ngày 11/5. Người Nhật cũng không chịu thua, cho rằng có nhiều người Nhật đi Việt Nam nhưng vẫn nhớ hương vị cà phê Nhật chăng (dù là cà phê nhập cảng nhưng rang theo kiểu Nhật), nên công ty cà phê hàng đầu là UCC đã mở chi nhánh Nihon NoAji UCC (UCC) ngay tại Sài Gòn, cũng là cứ điểm để bán hay cho thuê các thiết bị... cho Việt Nam, Cam Bốt và Lào.

Sản lượng cà phê VN năm 1998 là 400.000 tấn, năm 2000 lên 700.000 tấn, đứng hàng thứ hai sau Ba Tây sản xuất 900.000 tấn. Trung Nguyên là công ty cà phê Việt Nam mới thành lập năm 1996, trong có 6 năm, đã trở thành hệ thống tiệm cà phê lớn nhất Việt Nam với khoảng 400 tiệm trên toàn quốc. Ông Mizuno, Giám Đốc công ty Daitsu vừa thành lập năm 2001 đã ký khế ước với công ty Trung Nguyên để thiết lập hệ thống tiệm cà phê ở Nhật Bản.

Tới giữa năm 2000, số tiệm có món ăn Việt Nam (không kể các siêu thị) mà chúng tôi ghi nhận được là 87, qua giữa năm 2003 đã lên tới 300 tiệm, như vậy là đã gia tăng khoảng hơn gấp ba trong có ba năm.

(Trích từ sách "Nhật Bản Dưới Mắt Người Việt" )

( còn tiếp)

* Đỗ Thông Minh.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=68510&z=54

No comments:

Post a Comment